Hành vi nói xấu – Hãy cẩn thận vì những điều bất lợi sẽ đến với bạn sau này

0 108

Hành vi nói xấu – Hãy cẩn thận vì những điều bất lợi sẽ đến với bạn sau này

Nói xấu là 1 hành vi quen thuộc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Hành vi nói xấu diễn ra khi đối tượng bị nói xấu đang vắng mặt trong cuộc nói chuyện. Người đi nói xấu có 1 lợi thế là sẽ không gặp phải sự phản kháng trực tiếp từ đối phương, so với việc công kích thẳng mặt thì nói xấu sẽ tránh được xung đột rất nhiều. Mục đích của việc nói xấu có thể là để giải tỏa sự ức chế trong lòng, hoặc hạ thấp uy tín của đối phương, hoặc để cảnh báo cho người nghe hãy cân nhắc khi tiếp xúc đối tượng đó kẻo dính phải tai họa….hoặc có khi chỉ là mải tám chuyện, vô tình kể xấu 1 ai đó cho câu chuyện được đầy đủ thông tin. Hầu như ai cũng từng đi nói xấu người khác, chỉ khác là ít hay nhiều. Tuy vậy, mình vẫn viết bài này để chỉ ra suy nghĩ chủ quan của người đi nói xấu và 1 hậu quả vô hình không thấy trước mắt của những người đi nói xấu.

Người đi nói xấu thường có suy nghĩ rất chủ quan là người được nghe sẽ giữ kín bí mật cho mình, hoặc cẩn thận hơn là sẽ dặn dò người nghe không được kể bí mật này cho ai khác nghe. Nhưng không hề, người nghe được dù có ý muốn giữ bí mật, nhưng con người sẽ có lúc bất cẩn ở một thời điểm nào đó. Thông tin đó sẽ được rò rỉ sau một thời gian ngắn hay dài, tùy theo khả năng giữ bí mật thông tin của người đó. Lại có người vì muốn moi thông tin nên hứa sẽ giữ bí mật, tỏ vẻ rất thành tâm, nhưng ngay sau đó lại chủ ý đem bí mật kể cho người khác để làm quà. Khi lời nói xấu đến được tai đối tượng, mà đối tượng đó lại truy ra được ai là kẻ khơi mào nói xấu, thì theo các bạn chuyện gì sẽ xảy ra? Có vô số kết quả không ai lường trước được, nhưng chắc chắn đối tượng đã có những suy nghĩ tiêu cực về người đi nói xấu mình. Một ví dụ về hậu quả:

Nếu bạn nói xấu sếp cho 1 đồng nghiệp nghe, bạn tin tưởng người đồng nghiệp đó sẽ giữ kín bí mật cho bạn. Nhưng một thời gian sau, có thể là vài tuần, vài tháng, hay thậm chí là 1 năm sau, lời nói xấu đó có thể sẽ đến tai sếp của bạn. Chuyện gì sẽ xảy ra với bạn ? Bạn có thể bị sếp ghét, bạn sẽ khó mà thăng tiến, mức độ thưởng cũng bị giảm, bạn sẽ bị giao những công việc khó chịu hoặc nhàm chán…Dù người đồng nghiệp đó có đáng tin cậy thì cũng có một lúc nào đó cũng sẽ sơ suất nói ra bí mật, cũng có trường hợp người đồng nghiệp đó sau này phản lại mình, cố tình kể hết bí mật mà mình đã nói. Kể cả khi bạn đi nói xấu 1 người đồng nghiệp ngang hàng với mình cũng chưa phải là an toàn, vì biết đâu một thời gian sau đồng nghiệp đó được thăng chức thành cấp trên của bạn. Đó là trong công việc, trong các mối quan hệ họ hàng, bạn bè cũng tương tự, khi người nói xấu sau lưng bị phát hiện, thì đối tượng bị nói xấu sẽ có sự đề phòng và đánh giá tiêu cực về người đi nói xấu mình.

Luật nhân quả luôn hiển diện ở khắp mọi nơi. Một người gieo nhân nào thì sẽ gặt về quả đó. Nhân quả sẽ không diễn ra ngay tức khắc, mà nó sẽ đi một vòng dài, sự việc này dẫn đến sự việc khác, rồi kết quả sẽ trở về với người gieo nhân. VD: cô X. với cô Y. là bạn bè. Cô X gặp chuyện khó khăn, cần vay của cô Y khoảng 20 triệu. Cô Y quý mến và tin tưởng cô X nên đồng ý cho vay. Ở một dòng thời gian khác, nếu cô X đi nói xấu cô Y vài chuyện gì đó, không may những lời này đến tai cô Y. Đến khi cô X gặp cô Y để vay 20 triệu, lúc này cô Y đang có ác cảm với cô X nên cảm thấy cô X không xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của mình nữa, nên đã từ chối khéo là không còn nhiều tiền nên không thể cho vay được. Ở đây cô X đã cho đi sự tiêu cực, nên giờ cô X đã nhận về sự tiêu cực.

Một người nếu đi nói xấu càng nhiều người thì trong tương lai sẽ nhận về nhiều điều tiêu cực như: bị ghét, bị nói xấu ngược lại, bị mất đi nhiều sự giúp đỡ. Nếu bạn nói xấu 1 ai đó mà kể cho càng nhiều người nghe thì xác suất bạn bị lộ diện càng cao, vì thông tin mà càng được nhiều người nắm giữ thì khả năng lan truyền và bị lộ càng cao. Nếu phải nói xấu để giải tỏa tâm trạng thì cách hay nhất là người được nghe và người bị nói xấu không có bất kỳ sự liên lạc nào với nhau.

Ai cũng từng đi nói xấu người khác nhưng không ai muốn mình bị nói xấu cả. Nếu không phải là 1 việc gì quá quan trọng để buộc bạn phải nói xấu thì tốt nhất là nên giữ im lặng, để tránh những điều tiêu cực sẽ tìm đến bạn trong nay mai. Ở một góc nhìn khác, hành vi nói xấu cũng mang lại giá trị tích cực nếu vận dụng đúng cách, đúng lúc. Ví dụ: cậu D. thường mượn tiền nhiều người nhưng thường quỵt nợ, bạn kể điều này cho những bạn bè xunh quanh để họ không cho D. mượn tiền nữa, các bạn ấy sẽ không bị mất tiền, điều này có thể là việc tốt với những người được kể, nhưng với bạn D. thì lại là việc xấu .Bên cạnh việc nói xấu sau lưng, bạn hãy thử thêm hành vi nói tốt sau lưng người khác xem. Một ngày nào đó, những người bạn ấy phát hiện bạn thường nói tốt sau lưng thì họ sẽ có nhiều suy nghĩ tích cực, cảm xúc tích cực về bạn đấy. Hành vi khen trước mặt có thể dễ dàng bị coi là nịnh bợ, nhưng hành vi khen sau lưng lại thường được coi là những lời thật lòng. Luật nhân quả luôn diễn ra, bạn hãy nhớ, gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó.

* Xem thêm:

  1. Kỹ năng tạo ảnh hưởng đến người khác – Roy Johnson & John Eaton – 99 trang
  2. Làm thế nào để chinh phục đối phương – Tako Kagayaki – 73 trang
  3. Mẹ không thể ép con nhưng thuyết phục con thì được – Cynthia Ulrich Tobias – 113 trang
  4. Nghệ thuật thuyết phục – Đỗ Thùy Vân và Vũ Thu Phương – 228 trang
  5. Những sự thật về nghệ thuật đàm phán – Leigh Thompson – 100 trang
  6. Phong thái của bậc thầy thuyết phục – Dave Lakhani – 115 trang
You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.