Bản tin quân đội đọc chậm ngày 13/2-19/2 | Cập nhật liên tục

3 1.036

Bản tin quân đội đọc chậm ngày 13/2-19/2

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI VỀBẢN TIN QUÂN ĐỘI ĐỌC CHẬM:

 

1. Tin Thế giới – Bản tin quân đội đọc chậm ngày 13/2-19/2:
Thế giới tuần qua chứng kiến nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận như: vụ thử tên lửa tầm trung của Triều Tiên; hay loạt vụ tấn công của lực lượng nổi dậy Quân đội Nhân dân mới (NPA) ở Philippines….
-Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên Pukguksong-2 vào hôm 12/2. Tên lửa đã bay được khoảng 500km và đạt độ cao khoảng 550km. Tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn và Bình Nhưỡng nói rằng đây là phiên bản mới của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Ngày 13/2, các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có cả Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, đã nhất trí với tuyên bố do Mỹ soạn thảo, trong đó mô tả vụ thử tên lửa ngày 12/2 của Triều Tiên là “sự vi phạm nghiêm trọng” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng thêm “những biện pháp trừng phạt mạnh” đối với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã kịch liệt bác bỏ tuyên bố của Liên hợp quốc về vụ phóng tên lửa của nước này, đồng thời tuyên bố tất cả các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đều là “các biện pháp tự vệ” nhằm bảo vệ người dân.
– Ngày 17-2, Quân đội Philippines cho biết đã có 5 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong loạt vụ tấn công của lực lượng nổi dậy Quân đội Nhân dân mới (NPA) ở miền Nam nước này một ngày trước đó. Đây là các vụ giao tranh mới nhất trong bối cảnh bạo lực leo thang giữa quân đội chính phủ và NPA, lực lượng tiến hành cuộc nổi dậy từ năm 1969. Trong nửa thế kỷ qua, cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và NPA đã làm khoảng 30.000 người thiệt mạng.
-Tối 16/2 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị thế giới ở thành phố Bonn của Đức.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao của nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017.
Chủ đề của hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 năm nay là “Định hình trật tự toàn cầu – chính sách đối ngoại vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý khủng hoảng.” Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề: Thúc đẩy thực hiện Nghị sự 2030; Duy trì hoà bình trong bối cảnh mới; Hợp tác, hỗ trợ châu Phi. Đây đều là những vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế, có tác động đến sự ổn định và phát triển bền vững ở nhiều quốc gia và khu vực.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất (tính theo tổng sản phẩm quốc nội – GDP) và Liên minh châu Âu (EU). Thành lập từ năm 1999 và hiện chiếm 85% nền kinh tế thế giới, G20 bao gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy và Canada cùng một số thành viên khác trong EU và các nước Argentina, Australia, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, México, Nga, Arabia Saudia, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
-Ngày 14-2, cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm 2017 (Cobra Gold 2017) với chủ đề đối phó với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế và sự ổn định trong khu vực, do Thái Lan và Mỹ đồng chủ trì khai mạc. Cuộc tập trận năm nay sẽ kéo dài trong 10 ngày, từ ngày 14 đến 24-2, với sự tham gia của 29 quốc gia.
Hổ Mang Vàng là cuộc tập trận đa phương thường niên lớn nhất châu Á, có lịch sử 36 năm, khởi nguồn từ cuộc tập trận song phương của Mỹ và Thái Lan, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á. Đây được coi là bước đi đầu tiên của chính quyền Donal Trump tại Đông Nam Á đồng thời sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế rằng Mỹ vẫn duy trì sự can dự chiến lược trong khu vực như trước, đặc biệt là với Thái Lan – đồng minh suốt gần 200 năm của Washington.
2. Tin Trong nước – Bản tin quân đội đọc chậm ngày 13/2-19/2:

-Từ ngày 18/2-3/3, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan.
Các Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho Năm APEC Việt Nam 2017, khởi động công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao được tổ chức vào tháng 11 năm nay tại thành phố Đà Nẵng. Gần 1.900 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) cùng một số tổ chức quốc tế và khu vực sẽ tham dự Hội nghị SOM và 56 cuộc họp của 4 ủy ban và 34 nhóm công tác chuyên ngành. Triển khai chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,” mục đích Hội nghị SOM và các cuộc họp lần này là thảo luận và thông qua các ưu tiên của hợp tác APEC năm 2017.
-Tại Hội nghị về Chỉ số Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận: để nâng cao chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước có dịch vụ công trực tuyến phát triển như Pháp, Singapore, các bộ, cơ quan nhất là các bộ thuộc 6 lĩnh vực trọng điểm (giáo dục, y tế, tài chính, phúc lợi xã hội, lao động, môi trường) lựa chọn một số dịch vụ công trực tuyến đơn giản, có thể triển khai ngay, dịch vụ được người dân sử dụng thường xuyên và dịch vụ có thu phí để tiến hành thực hiện trước.
-Trong khuôn khổ tham dự các hoạt động tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, chiều 16/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu tại Phiên thảo luận “Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.”
Với thông điệp “tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác toàn cầu trong việc thực hiện các cam kết và mục tiêu của Nghị sự 2030 bằng các kế hoạch, biện pháp cụ thể; đề nghị các nước G20 tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và chống biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của nhiều nước thành viên G20 trong việc thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn nước và ứng phó biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong.
-Sáng 15-2, Cam-pu-chia đã long trọng tổ chức lễ hoàn thành trùng tu và tôn tạo Đài Hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia tại thành phố Ta-keo, tỉnh Ta-keo, giáp biên giới với tỉnh An Giang của Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cam-pu-chia (24-6-1967 / 24-6-2017).
-Ngày 17/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 12/2, Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo ngày 12/2, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.”
“Quan điểm nhất quán của Việt Nam là ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; phản đối các hành động gây căng thẳng, đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới; tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
3. Tin Quân sự Quốc phòng – Bản tin quân đội đọc chậm ngày 13/2-19/2: 
– Trong tuần, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành tốt công tác giao, nhận thanh niên nhập ngũ năm 2017 cho các đơn vị quân đội, đạt 100% chỉ tiêu. Các địa phương tổ chức lễ giao, nhận quân trang trọng, nhanh gọn, an toàn, thực sự là ngày hội tòng quân của tuổi trẻ cả nước. Các đơn vị tổ chức đón chiến sĩ mới về đơn vị nhanh chóng, chu đáo, an toàn. Chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng, sau khi ổn định biên chế tổ chức, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện ngoại khóa 1 tuần để các chiến sĩ làm quen với nền nếp chế độ, kỷ luật, nắm được các nội dung cơ bản về điều lệnh đội ngũ làm cơ sở để tổ chức ra quân huấn luyện được trang trọng, chính quy, thống nhất, chất lượng cao

– Tại Hà Nội, Tổ công tác liên ngành và Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2016 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ và đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đồng chủ trì cuộc họp.
Trong năm 2016, Các sĩ quan Việt Nam đã thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các phái bộ, chấp hành nghiêm quy định của LHQ, được LHQ, lãnh đạo phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao.nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phấn đấu hoàn tất công tác chuẩn bị và các thủ tục cần thiết với LHQ để có thể triển khai thành công Bệnh viện Dã chiến cấp 2 và Đại đội Công binh tham gia hoạt động GGHB LHQ;
Tuần qua, Công ty Cổ phần X20, Tổng cục Hậu cần tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (18-2-2017) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu; Trường Sĩ quan Pháo binh tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (18-2-2017) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng thăm và kiểm tra về công tác kỹ thuật của Binh chủng Công binh .
Trong tuần, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu– Cơ quan Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2016 gắn với kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy BTTM – Cơ quan Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng chủ trì hội nghị; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự và chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2016 gắn với kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) tại Đảng ủy Binh đoàn 15 (BQP). Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tới dự Hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2016 gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Đảng ủy Bệnh viện quân y 175 (Bộ Quốc phòng).
Thực hiện Quyết định số 1291 ngày 5-4-2016 của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc nhục mạ con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội giai đoạn 2016-2020”, chiều 15-2, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai các nội dung kế hoạch thực hiện đề án.
Sáng ngày 16 tháng 2, Quân chủng Phòng không- Không quân đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự”. Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân chủ trì Hội thảo. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã tập trung đề cập đến thực trạng việc đào tạo phi công quân sự, phân tích những điểm bất cập về quy trình tổ chức huấn luyện, đào tạo hiện tại; đưa ra những đề xuất định hướng về đổi mới quy trình, chương trình; làm rõ vị trí, vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng khám tuyển, tạo nguồn đào tạo phi công quân sự; tạo nguồn đội ngũ phi công-giáo viên, đề xuất về biên chế, tổ chức của Trường Sĩ quan Không quân, để đủ năng lực đào tạo phi công quân sự;
-Ngày 17-2, tàu của Hải quân Cộng hòa Singapore cùng thủy thủ đoàn (180 thành viên), đã cập Cảng Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 17 đến 21-2. Đây là chuyến thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh lần thứ 2 của tàu Hải quân Cộng hòa Singapore kể từ khi Cảng được chính thức khánh thành vào ngày 8-3-2016.
– Đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đã đến kiểm tra công tác giáo dục – đào tạo văn bằng hai cho đối tượng hạ sĩ quan – binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, được tuyển chọn về đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 theo Thông tư số 17 ngày 11-3-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây là năm đầu tiên thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đào tạo đối tượng HSQ-BS đã tốt nghiệp đại học ngoài quân đội đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở các đơn vị cơ sở về Nhà trường tiếp tục đào tạo văn bằng 2 trở thành sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội, khi tốt nghiệp ra trường, sẽ đảm nhiệm cương vị trung đội trưởng, có thể phát triển cao hơn.
– Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã khai mạc hội thi các chuyên ngành hậu cần năm 2017. Đối tượng dự thi là các Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cụm Đặc nhiệm phòng chống tội phạm Ma túy, các cụm Trinh sát và Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát biển. Các đơn vị dự thi sẽ tham gia thi ở 4 nội dung: Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt; đơn vị quân y 5 tốt và nội dung kho xăng dầu chính quy, an toàn, tiết kiệm.
Điểm mới của hội thi lần này là ban tổ chức sẽ thành lập ban giám khảo của từng chuyên ngành hậu cần và tổ chức chấm thi lần lượt tại các đơn vị. Theo kế hoạch, hội thi sẽ tổng kết và bế mạc vào trung tuần tháng 3-2017.

Cảm ơn các bạn đã cộng tác cùng chúng tôi . Hãy chia sẻ Bản tin quân đội đọc chậm ngày 13/2-19/2 này cho những người bạn của bạn để họ cập nhật tin được sớm nhất

* Xem thêm:

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI VỀ:

BẢN TIN QUÂN ĐỘI ĐỌC CHẬM
BẢN TIN QUÂN ĐỘI ĐỌC CHẬM

Thực hiện bởi: www.hatali.com.vn

 

 

You might also like
3 Comments
  1. nimabi says

    Thank you very much for sharing, I learned a lot from your article. Very cool. Thanks. nimabi

  2. nimabi says

    Thank you very much for sharing, I learned a lot from your article. Very cool. Thanks. nimabi

Leave A Reply

Your email address will not be published.